Viêm da cơ địa (Atopic dermatitis/Eczema)

  1. Viêm da cơ địa là gì ?

Viêm da cơ địa là một tình trạng ngứa da mạn tính thường gặp ở trẻ em và cũng có thể gặp ở bất kì lứa tuổi nào. Bệnh còn được biết với tên gọi chàm, chàm thể tạng.

Viêm da cơ địa thường xuất hiện ở những bệnh nhân có yếu tố “cơ địa”, đặc trưng bởi sự phản ứng quá mức của cơ thể với các yếu tố môi trường bên ngoài. Có nghĩa là những bệnh nhân này sẽ thường mắc một hay hơn trong ba bệnh lí : viêm da cơ địa, hen suyễn, viêm mũi dị ứng. Vì mang tính chất di truyền, nên những bệnh lí trên có thể xuất hiện ở những người thân trong cùng gia đình như cha mẹ, anh chị em. Một tiền sử bị hen suyễn, viêm da cơ địa hay viêm mũi dị ứng của những người thân cùng huyết thống cũng rất hữu ích trong việc chẩn đoán xác định viêm da cơ địa.

  1. Nguyên nhân gây viêm da cơ địa là gì?

Cơ chế sinh bệnh của viêm da cơ địa liên quan đến sự tương tác giữa yếu tố gen bên trong và môi trường bên ngoài.

Những biến đổi trong gen gây suy yếu chức năng bảo vệ của da và mất cân bằng điều hòa miễn dịch của cơ thể, bao gồm:

  • Biến dạng tế bào sừng, làm phát vỡ tổ chức lipid ngoại bào của da
  • Giảm các yếu tố giữ ẩm tự nhiên của da
  • Mất cân bằng pH tự nhiên của da
  • Giảm các peptide diệt khuẩn tự nhiên giảm khả năng kháng khuẩn của da
  • Làm tăng tính thấm của da nên da sẽ dễ tổn thương khi tiếp xúc các chất gây kích ứng hay dị ứng

Những điều trên làm cho làn da của bệnh nhân trở nên nhạy cảm hơn người bình thường với những kích thích của môi trường.

Ngoài ra, có những yếu tố bên ngoài làm da trở nên khô hơn và làm tình trạng viêm da cơ địa trở nên khó kiểm soát như :

  • Thời tiết mùa đông.
  • Thường xuyên tắm rửa, đặc biệt với nước ấm
  • Xà phòng và chất sát khuẩn
  • Độ ẩm môi trường thấp
  • Chlorine trong nước hồ bơi

Hình 1 – Sinh bệnh học của viêm da cơ địa

  1. Biểu hiện của viêm da cơ địa là gì?

Viêm da cơ địa có biểu hiện khá đa dạng. Trong những đợt cấp da có thể biểu hiện các mảng viêm, đỏ, mụn nước, rịn nước. Giữa những đợt cấp, da có thể bình thường hay có những vùng khô, dày da và ngứa.

Tùy vào lứa tuổi, chủng tộc, các bệnh lí da kèm theo, tình trạng nhiễm trùng, cách chăm sóc da mà viêm da cơ địa có thể biểu hiện và gây triệu chứng khác nhau.

Hình 2 – Biểu hiện viêm da cơ địa qua các gia đoạn : cấp, bán cấp, mãn tính

Hình 3 – diễn tiến và phân bố theo tuổi của viêm da cơ địa : sơ sinh, trẻ lớn, người lớn

Dựa theo lứa tuổi có thể có các dạng biểu hiện bệnh dưới đây

Trẻ sơ sinh

  • Ở trẻ dưới một tuổi, sang thương thường phân bố rộng. Da khô, tróc vảy và đỏ, có thể có mụn nước, rịn nước.
  • Vùng má thường là vùng xuất hiện sang thương đầu tiên
  • Một số trẻ có thể bị viêm da kích ứng vùng tã lót nếu mặc tã ướt hay bẩn quá lâu.

Trẻ nhỏ (1-6 tuổi)

  • Viêm da cơ địa ở tuổi này thường biểu hiện sang thương ở vùng mặt duỗi của khớp như vùng cổ tay, khuỷa, cổ chân, gối. Cũng có thể thấy vùng sinh dục.
  • Khi trẻ lớn hơn, sang thường thường gặp ở mặt gấp các khớp hơn. Vùng da bệnh trở nên dày, khô, lichen hóa do liên tục bị cào gãy

Trẻ lớn (>6 tuổi)

  • Trẻ lớn thường có xu hướng bị viêm da cơ địa nếp gấp, thường gấp nhất ở nếp khuỷa tay và đầu gối. Những vùng có thể gặp khác bao gồm mi mắt, tai, cổ, da đầu.
  • Trẻ có thể biểu hiện mụn nước ngứa cấp tính tái đi tái lại ở bàn tay, ngón tay và thỉnh thoảng ở chân.
  • Nhiều trẻ biểu hiện sang thương viêm da cơ địa dạng vòng, là những mảng hình tròn, khô, đỏ và ngứa, phân bố rải rác khắp cơ thể. Dang này có thể bị nhầm lẫn với nấm da.
  • Hầu hết các bé sẽ cải thiện dần theo thời gian và gần như khỏi bệnh khi bước vào tuổi vị thành niên, tuy nhiên chức năng bảo vệ của da sẽ không bao giờ hoàn toàn bình thường.

Người lớn

  • Biểu hiện viêm da cơ địa ở người lớn rất đa dạng. Da thường khô hơn và dày da nhiều hơn trẻ em
  • Người lớn thường biểu hiện viêm da cơ địa khu trú dai dẳng, ở vùng bàn tay, mi mắt, nếp gấp, quầng vú hoặc bất kì vùng da nào khác
  • Viêm da cơ địa là yếu tố góp phần chính gây khởi phát và làm nặng hơn viêm da tiếp xúc kích ứng. Tình trạng này thường thấy ở những bàn tay thường tiếp xúc hóa chất, nước hay các dung môi hòa tan.
  1. Có phải bệnh nhân viêm da cơ địa sẽ mắc bệnh mãi mãi?

Ở những bệnh nhân viêm da cơ địa, làn da nhạy cảm sẽ theo họ suốt đời. Tuy nhiên, ở hầu hết các trẻ bị viêm da cơ địa, bệnh sẽ cải thiện dần theo thời gian. Theo các nghiên cứu, có khoảng 20% trẻ em bị viêm da cơ địa dai dẳng trên 8 năm và có ít hơn 5% người bệnh bị viêm da cơ địa dai dẳng hơn 20 năm.

Trẻ em bị viêm da cơ địa trước 2 tuổi có ít khả năng bị viêm da cơ địa dai dẳng hơn trẻ khởi phát bệnh muộn hơn.

  1. Điều trị viêm da cơ địa như thế nào ?

Điều trị viêm da cơ địa cần nhiều thời gian, từ vài tháng đến vài năm.

Nguyên tắc chính :

  • Giảm tiếp xúc với dị ứng nguyên, các chất dễ gây kích ứng
  • Dưỡng ẩm da thường xuyên
  • Thoa các sản phẩm steroid không liên tục

Ở một vài trường hợp, có thể cần điều trị thêm với các thuốc

  • Thuốc thoa ức chế calcineurin (như pimecrolimus, hay tacrolimus)
  • Thoa Crisabarole
  • Kháng sinh
  • Kháng histamin
  • Liệu pháp ánh sáng
  • Corticosteroid đường uống

Viêm da cơ địa nặng và kéo dài có thể điều trị với các thuốc ức chế miễn dịch

  • Methotrexate
  • Cyclosporin
  • Azathioprine

Các thuốc sinh học mới vẫn đang được nghiên cứu. Thuốc sinh học đầu điên được chấp nhận trong điều trị viêm da cơ địa là Dupilumab