Vảy nến

  1. Vảy nến là gì?

Vảy nến là một tình trạng viêm da mãn tính, đặc trưng bởi những mảng hồng ban tróc vảy. Bệnh có thể được chia thành nhiều phụ tuýp.

  1. Ai dễ bị vảy nến?

Vảy nến ảnh hưởng 2-4% dân số. Bệnh có thể khởi phát ở bất kì lứa tuổi nào, kể cả trẻ em với 2 đỉnh tuổi là 15-25 tuổi và 50-60 tuổi. Bệnh thường kéo dài, dai dẳng, triệu chứng lúc rầm rộ lúc không. Bệnh thường bị ở người da trắng nhưng có thể ảnh hưởng mọi chủng tộc. Gần 1/3 bệnh nhân vảy nến có người thân trong gia đình cũng mắc bệnh này.

  1. Nguyên nhân:

Vảy nến là một bệnh lí có nhiều yếu tố tác động. Người ta phân loại vảy nến như là một bệnh lí viêm có liên quan đến miễn dịch.

Gen là một yếu tố quan trọng vì nó ảnh hưởng đến tuýp vảy nến và đáp ứng với điều trị. Những nghiên cứu về gen đã ghi nhận rằng những người có HLA-Cw6 thường bị vảy nến khởi phát sớm và vảy nến giọt. Tuy nhiên HLA này không liên quan đến viêm khớp, loạn dưỡng móng hoặc vảy nến khởi phát muộn.

Những yếu tố miễn dịch và các cytokine viêm như TNF-alpha, IL1-beta và IL-17A đóng vai trò quan trọng trong con đường viêm của bệnh lí này.

  1. Triệu chứng lâm sàng:

Triệu chứng là các mảng hồng ban, tróc vẩy, phân bố đối xứng với bờ giới hạn rõ. Vảy thường có màu trắng ngà trừ ở vùng nếp thì mảng vảy nến có vẻ bóng hơn và vẩy có vẻ ướt hơn. Vị trí thường gặp là ở da đầu nhưng cũng có thể ở khuỷu tay và đầu gối nhưng bất kì vùng da nào cũng đều có thể bị ảnh hưởng. Những mảng này thường dai dẳng nếu không được điều trị.

Triệu chứng ngứa thường nhẹ nhưng có thể nghiêm trọng ở một số bệnh nhân, dẫn đến cào gãi và lichen hóa (hằn cổ trâu). Da có thể nứt nẻ, chảy máu.

  1. Vảy nến phân loại như thế nào?

Một số đặc điểm có thể được sử dụng để phân loại và điều trị. Trường hợp chồng lấp vẫn có thể xảy ra.

  • Khởi phát sớm (trước 35 tuổi) (chiếm 75%) và khởi phát muộn trên 50 tuổi.
  • Vẩy nến giọt cấp tính và vảy nến mảng mạn tính.
  • Vảy nến khu trú như ở da đầu, lòng bàn tay bàn chân và vảy nến lan tỏa.
  • Có tổn thương móng hoặc không.
  • Mảng nhỏ <3cm và mảng lớn >3cm.
  1. Những yếu tố làm vảy nến bùng phát:

  • Viêm họng do streptococcus và các tình trạng nhiễm trùng khác.
  • Chấn thương da như vết cắt, cọ sát, bỏng nắng.
  • 10% những người tiếp xúc nắng bị bùng phát vảy nến.
  • Béo phì, hút thuốc lá, uống rượu bia, stress.
  • Thuốc như lithium, ức chế beta, kháng sốt rét, kháng viêm non-steroid và một số thuốc khác.
  • Dừng corticoid uống hoặc thoa đột ngột.
  1. Những bệnh lí đồng mắc với vảy nến:

  • Vảy nến khớp và viêm cột sống dính khớp (tỉ lệ là 40% ở những người bị vảy nến mảng khởi phát sớm)
  • Bệnh ruột viêm (bệnh Crohn và viêm loét đại tràng)
  • Viêm mống mắt
  • Bệnh Coeliac
  • Hội chứng chuyển hóa: béo phì, tăng huyết áp, tăng lipid máu, gout, bệnh lí tim mạch, đái tháo đường tuýp 2
  • Mụn mủ lòng bàn tay bàn chân và mụn mủ toàn thân
  1. Điều trị:

         a. Không dùng thuốc:

Các bệnh nhân nên hạn chế rượu bia, thuốc lá, tập thể dục và duy trì cân nặng lí tưởng.

         b. Thuốc bôi:

Vảy nến nhẹ chỉ cần điều trị với thuốc bôi. Phương pháp điều trị như thế nào tùy thuộc vào diện tích cơ thể, mức độ lan rộng và độ nặng của bệnh.

  • Dưỡng ẩm
  • Hắc ín
  • Dithranol
  • Acid salicylic
  • Dẫn xuất vitamin D (calcipotriol)
  • Corticoid thoa
  • Dạng kết hợp calcipotriol/ betamethasone dipropionate dạng mỡ/gel hoặc dạng bọt
  • Thuốc ức chế calcineurin (tacrolimus, pimecrolimus)

      c. Quang liệu pháp:

Thường sử dụng tia UV, có thể kết hợp với các loại thuốc bôi tại chỗ hoặc hệ thống. Các phương pháp thường dùng là:

  • UVB dải hẹp
  • UVB phổ rộng
  • Quang hóa trị liệu (PUVA liệu pháp)
  • Quang liệu pháp nhắm trúng đích

     c. Thuốc hệ thống:

Vảy nến trung bình đến nặng cần các thuốc hệ thống và/hoặc quang liệu pháp. Các thuốc thường được sử dụng là:

  • Methotrexate
  • Ciclosporin
  • Acitretin

Các thuốc khác ít được sử dụng hơn:

  • Mycophenolate
  • Apremilast
  • Hydroxyurea
  • Azathioprine
  • 6-mercaptopurine

     d. Các thuốc sinh học:

Thuốc sinh học hay còn gọi là liệu pháp nhắm trúng đích thường được sử dụng cho những trường hợp vảy nến nặng-kháng trị với các phương pháp điều trị truyền thống. Tuy giá thành mắc nhưng thuốc cho thấy hiệu quả hơn vá ít tác dụng phụ hơn các thước hệ thống khác. Các nhóm thuốc thường được sử dụng là:

  • Thuốc ức chế TNF-alpha: infliximab, adalimumab và etanercept
  • Thuốc ức chế IL12/23: ustekinumab
  • Thuốc ức chế IL17A: Ixekizumab, Brodalumab, Secukinumab
  • Thuốc ức chế IL23: Guselkumab
  • Và rất nhiều các loại kháng thể đơn dòng khác đang được nghiên cứu để điều trị vảy nến như các thuốc ức chế con đường protein kinase (thuốc ức chế Janus kinase như tofacitinib) đang được nghiên cứu và cho kết quả rất hứa hẹn.